TP.HCM – Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa đề xuất đầu tư tổ hợp quảng trường trung tâm và công viên bờ sông quy mô hơn 27 ha tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo định hướng phát triển không gian công cộng mở, hạn chế bê tông hóa.
Cụ thể, dự án bao gồm quảng trường trung tâm rộng 21 ha và công viên bờ sông, tổng diện tích hơn 27 ha, nằm trong quy hoạch không gian xanh lớn 177 ha tại Thủ Thiêm. Theo thiết kế, công trình sẽ trở thành quảng trường lớn nhất cả nước, kết hợp cùng công viên ven sông Sài Gòn tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng gần 30 ha.
Dự án do văn phòng kiến trúc DE-SO Asia (Pháp) – đơn vị đoạt giải cuộc thi thiết kế không gian công cộng Thủ Thiêm năm 2008 – thực hiện. Quảng trường được kết nối trực tiếp với trung tâm TP.HCM thông qua cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, nối từ công trường Mê Linh (quận 1). Đây sẽ là không gian linh hoạt phục vụ tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa – chính trị và sinh hoạt cộng đồng.
Điểm nhấn của dự án là thiết kế theo hướng “hệ sinh thái mở”: bố trí nhiều mảng xanh, giữ lại thảm thực vật tự nhiên ven sông, tránh bê tông hóa. Không gian sẽ được mở rộng từ hồ trung tâm kéo dài đến sông Sài Gòn, với tầm nhìn thoáng về quận 1. Hệ thống thoát nước mưa toàn khu Thủ Thiêm cũng sẽ dẫn về công viên trung tâm để xử lý, tái sử dụng và bốc hơi, góp phần điều tiết vi khí hậu và giảm tải hệ thống thoát nước đô thị.
Dự án được kỳ vọng sẽ là hình mẫu cho một trung tâm đô thị hiện đại, bền vững và “có thể thở được”, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Các yếu tố tự nhiên như bóng râm, gió, nước và đất xốp sẽ được đưa trở lại như những thành phần quan trọng trong cấu trúc đô thị mới.
Trước đó, vào cuối năm 2023, TP Thủ Đức đã huy động nguồn vốn xã hội hóa để cải tạo và đưa vào hoạt động công viên dọc bờ sông từ hầm Thủ Thiêm đến cầu Ba Son. Khu vực này nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân và du khách, đặc biệt vào buổi tối và cuối tuần.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 930 ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 200.000 người, được quy hoạch từ năm 1996, với mục tiêu hoàn thành trước năm 2030 theo Nghị quyết 26/2020 của Thành ủy TP.HCM. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn khu ước tính khoảng 35.750 tỷ đồng, trong đó riêng 15 dự án hạ tầng kỹ thuật cần hơn 9.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng.